Tuần rồi mình bắt đầu hành trình đánh giá các rủi ro có thể xảy ra với một doanh nghiệp và điều mà mình chợt nhận ra là, thành tựu đâu có nghĩa là bạn phải đạt được điều gì đó. Một thành tựu vô cùng to lớn của mỗi chúng ta là những tổn thất mà chúng ta có thể tránh được.
Con người chúng ta có xu hướng chỉ quan tâm tới những gì mà mình có được mà không để ý đến những gì mà mình đã không mất đi và đó đã là một thành tựu vô cùng to lớn.
Nhìn vào quá khứ, có phải nếu chỉ cần chúng ta bớt "ngu" thôi thì chúng ta đã có thể tiết kiệm cho bản thân mình rất nhiều tiền và thời gian rồi không?
Nhìn lại hành trình đã đi qua với các khách hàng, chính mình cũng đã không ghi nhận (nên không giúp cho các khách hàng ghi nhận) đâu là những rủi ro mà thật ra tôi đã tránh được? Thậm chí có thể biến nó thành tiền.
Một người chủ doanh nghiệp chỉ cần bắt đầu biết kiểm soát cảm xúc và hành vi thôi, cũng đã tránh được rất nhiều những rủi ro với việc đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt và cảm tính rồi.
Chỉ cần chủ doanh nghiệp và đội ngũ bắt đầu nghĩ về những sai lầm có thể diễn ra, chúng ta đã gia tăng đáng kể khả năng những quyết định đúng đắn sẽ được xuất hiện.
Thông thường thì mọi người ít nói đến rủi ro, chúng ta chỉ chăm chăm tiến về phía trước với một sự lạc quan ghê gớm.
Khi không đạt được mục tiêu thì chúng ta cảm thấy chán nản và thất bại, nhưng ít ai để ý rằng thật ra điều gì diễn ra cũng có nguyên do của nó. Không tiến lên không có nghĩa là bạn không có thành tựu.
Giờ nói đến việc tránh những rủi ro nhé.
Có nên nghĩ về những điều tiêu cực và những rủi ro không?
Thông thường vào đầu các kỳ lập kế hoạch hàng năm, mình hay hỏi, đâu là những nỗi sợ (hữu ích) mà bạn cần phải để ý trong năm nay?
Nhiều người không thích câu hỏi này, vì có vẻ nó tiêu cực quá. Nhưng sự thực thì khi bạn nghĩ về những thứ tiêu cực có thể diễn ra, có khả năng một điều gì đó tích cực sẽ xuất hiện.
Nhiều người vin vào luật hấp dẫn để bảo không được nghĩ đến những điều tiêu cực, nhưng thực ra chỉ khi bạn chìm đắm vào tiêu cực và bị nó làm cho sợ hãi thì mới là vấn đề thôi.
Làm sao để tránh các rủi ro?
Một cách đơn giản mà mình hay làm là đánh giá các rủi ro theo 4 bước và xử lý nó một cách tuần tự.
Bước 1. Liệt kê ra tất cả các rủi ro mà bạn và doanh nghiệp của bạn có thể gặp phải.
Hãy cùng với team ngồi xuống và cùng viết ra một cách trung thực, đâu là những rủi ro có thể xảy a với doanh nghiệp của mình trong ngắn hạn, trung hạn và thậm chí là dài hạn. Liệt kê ra một cách đầy đủ những điều này.
Nhưng cũng thận trọng, sẽ không có ích gì nếu chúng ta liệt kê ra một rủi ro mà xác xuất xảy ra của nó quá thấp.
Có một cách mà mình hay làm, giả định rằng doanh nghiệp của bạn là một mớ hỗn độn trong vòng 3 năm tới, vậy hãy đứng ở thời điểm của 3 năm sau và nhìn lại xem điều gì đã diễn ra?
Cách này thực sự hữu hiệu đó.
Bước 2. Xác xuất xảy ra ở mức nào?
Qua khá nhiều lần đánh giá rủi ro với các khách hàng, mình nhận thấy đây là bước thể hiện khá rõ văn hóa lắng nghe và năng lực cảm xúc của doanh nghiệp.
Công ty nào được dạy về EQ và đội ngũ có rèn luyện EQ từ trước thì thường sẽ làm bước này khá hiệu quả và tránh được nhiều tổn thất.
Lý do đơn giản lắm, vì là những thứ chưa xảy ra mà, nên sẽ có rất nhiều quan điểm trái chiều dựa vào kiến thức và trải nghiệm của các thành viên. Điểm yếu lớn của con người là chúng ta không biết thứ mà chúng ta không biết. Thế nên, có khá nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp chủ quan và thiếu hiểu biết nên đã bỏ ra những góc nhìn sâu sắc từ các thành viên.
Xác xuất xảy ra có thể đánh giá theo thang đo phần trăm (%). Tỉ lệ % càng cao thì khả năng xảy ra càng lớn.
Bước 3. Khả năng tổn thất
Ở bước 2, bạn chỉ nên lựa chọn khoảng 10 rủi ro có khả năng xảy ra cao nhất và xử lý nó thôi.
Sau đó bạn cần đánh giá trong thang điểm 10, mỗi rủi ro nếu xảy ra thì mức độ tổn thất trong thang điểm 10 là ở mức nào?
Bạn cũng có thể phân loại theo điểm.
Nếu điểm từ 1-3, có thể xem là mức độ tổn thất thấp
Điểm từ 4-7, có thể xem là mức độ tổn thất trung bình
Điểm từ 8-10, có thể xem là mức độ tổn thất cao
Rủi ro tổn thất trung bình, nó khá giống việc bạn mất đi một năng lực gì đó. Nhưng nếu rủi ro tổn thất cao, có thể xem như bạn sẽ mất luôn hoàn toàn doanh nghiệp này.
Bước 4. Khả năng kiểm soát
Cũng giống như ở bước 3, bạn phải tự đánh giá khả năng kiểm soát của doanh nghiệp trong thang điểm 10.
Có 3 mức kiểm soát được rủi ro.
Nếu điểm từ 1-3, có thể xem là khả năng kiểm soát của chúng ta ở mức rất thấp.
Điểm từ 4-7, có thể xem khả năng kiểm soát ở mức trung bình, nghĩa là chúng ta có thể tác động được một phần để giảm thiểu các rủi ro này.
Điểm từ 8-10, có thể xem là khả năng kiểm soát cao. Thật ra số này rất ít. Phần lớn các rủi ro đều ở mức khả năng kiểm soát thấp hoặc trung bình thôi.
Ứng xử với các rủi ro
Sau khi đánh giá các rủi ro, việc tiếp theo bạn cần làm là cách bạn ứng xử với nó.
Bạn sẽ phải đánh giá một cách công bằng các rủi ro này và cùng thảo luận với đội ngũ về cách ứng xử với các rủi ro và thậm chí là với cả doanh nghiệp.
Nếu một công việc kinh doanh mà có nhiều rủi ro bị tổn thất nặng nề xảy ra và khả năng kiểm soát chúng quá thấp thì nên suy nghĩ lại một cách nghiêm túc, bạn có thực sự nên tiếp tục công việc này không?
Từ 2 trở lên đã nên cân nhắc rồi.
Các trường hợp khác, việc của bạn là đưa nó vào kế hoạch và bắt đầu xây dựng phương án phòng thủ cho nó.
Kết luận
Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể đánh giá và tránh được các rủi ro nghiêm trọng, thành tựu này thậm chí còn tuyệt vời hơn một khoản lợi nhuận lớn mang về cho công ty mà không biết công ty có thể gặp vấn đề bất cứ khi nào.
Không phải cứ đạt được điều gì đó mới là thành tựu to lớn. Không mất điều gì đó quan trọng cũng đã là một nỗ lực đánh ghi nhận.
Nếu bạn cảm thấy các bài viết này hữu ích và muốn nhận được nó trong tương lai, hãy di chuyển xuống cuối trang bên phải, điền email của bạn vào ô theo dõi nhé. Cứ mỗi tuần mình sẽ gửi cho bạn 1 và chỉ 1 email hợp các bài viết mới thế này vào ngày thứ 6.
Bạn nhớ thiết lập thời gian mở email vào cuối mỗi buổi chiều thứ 6 nha.
Chúc bạn một ngày mới trọn vẹn.
Comments