Các thống kê về doanh nghiệp gia đình cho thấy, chỉ 1/3 trong số các doanh nghiệp gia đình có thể chuyển giao thành công cho thế hệ thứ 2. Điều nghiêm trọng là con số này đang bắt đầu có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Trong vòng 5 năm vừa qua, con số này chỉ còn khoảng 19% mà thôi. Bạn có thể xem con số chính xác ở báo cáo này nhé.
Trong mấy năm qua, mình cũng có cơ hội làm việc với khá nhiều chủ doanh nghiệp thế hệ đầu tiên và các bạn thuộc thế hệ thứ hai nên cũng có những quan sát và đúc kết nhất định. Điều mà mình nhận thức được một cách rõ ràng nhất là chúng ta đang sai lầm khá nhiều trong việc chuẩn bị cho thế hệ kế thừa.
Điều gì đã khiến cho việc chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ kế thừa gặp khó khăn?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc chuyển giao thế hệ khó khăn. Dưới đây là các nguyên nhân mà hầu hết các báo cáo và các cuộc khảo sát chỉ ra:
Thế hệ đầu tiên không thực sự chú trọng đến việc chuyển giao.
Không có bất kỳ một kế hoạch chuyển giao nghiêm túc nào
Phương pháp chuyển giao không phù hợp hoặc chỉ đơn giản là để lại doanh nghiệp và tài sản.
Thế hệ kế thừa không sẵn sàng cho việc tiếp nhận. Phần này có nhiều nguyên nhân lắm, từ việc không có hứng thú với ngành, chưa có đủ sự tự tin cho đến cảm thấy văn hóa công ty không phù hợp.
Trong số các nguyên nhân này, trong bài chia sẻ hôm nay mình chỉ muốn chia sẻ góc nhìn cá nhân về những sai lầm khi mà chúng ta đã có ý thức chuyển giao nhưng lại không làm đúng cách.
Công thức thành công
Có một công thức thành công căn bản (nhưng không phải ai cũng biết) là BE X DO = HAVE
Trong công thức này, HAVE là điều mà bạn có. DO là những gì bạn làm và BE là nội lực bên trong của bạn.
Hàm ý của công thức này là nếu bạn muốn có điều gì đó trong cuộc đời thì ngoài hành động ra thì bạn cũng cần có nội lực tương xứng.
Nếu một trong hai vế bằng 0 thì kết quả cuối cùng cũng bằng 0.
Hãy nhìn vào những người bán vé số là biết ngay. Dù họ trúng số hàng tỷ đồng nhưng vì thiếu BE cần thiết nên rồi cuối cùng mọi thứ cũng quay về con số 0, thậm chí là âm.
Bản chất của Be x Do = Have là mọi thứ trong cuộc đời này đều là sự xứng đáng. Bạn xứng đáng với thứ bạn có (cuối cùng) và bạn cần phải xứng đáng với điều mà mình mong muốn.
Vấn đề là chữ BE hàm ý của nó hơi rộng và dễ gây hiểu lầm nên rút cuộc rất ít người thực sự biết mình nên làm gì để có BE đủ tốt.
Công thức chuyển giao thành công
Có rất nhiều chiến lược mà mình đã từng làm để giúp cho các thế hệ ngồi lại với nhau và chuyển giao dần trong suốt gần 10 năm qua. Từ việc làm rõ con đường thành công trong dài hạn - trung hạn - ngắn hạn, làm rõ mục đích cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo, xây dựng các chương trình kèm cặp... nhưng quan trọng nhất luôn là kế hoạch phát triển BE cho các bạn trẻ.
Vậy BE cho một con người nói chung và cho các bạn thế hệ kế thừa bao gồm những điều gì?
Nhiều người lầm tưởng rằng BE của một con người là các kỹ năng, kiến thức, thái độ, hành vi mà họ có. Đây mới chỉ là tầng nổi của BE thôi.
BE của một con người là tất cả những gì quyết định đến cách họ nhìn về thế giới xung quanh, niềm tin của họ về bản thân, các động lực từ bên trong lẫn bên ngoài của họ cho đến những khát khao mà họ mong đợi trong tương lai.
Giống như một củ hành tây, BE là một tập hợp gồm rất nhiều lớp khác nhau mà chúng ta phải đào sâu vào để thực sự thấu hiểu.
Các lớp vỏ của BE bao gồm:
Niềm tin vào bản thân và thế giới xung quanh
Các giá trị và nguyên tắc
Các động lực bên trong và bên ngoài
Các điểm mạnh và điểm yếu
Điểm thăng hoa hay niềm tin về sứ mệnh của bản thân
Các kỹ năng, kiến thức mà họ có
Thái độ, hành vi và quyết định
Những sức mạnh mềm hay nội lực từ bên trong: sự tự tin, sự kiên trì và nghị lực, khả năng quan sát và nhận thức sự thật mà không bị định kiến, khả năng tập trung và khả năng ra quyết định đúng đắn trong mỗi tình huống (trí tuệ).
Chúng ta cần chuyển giao điều gì?
Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng vào việc đào tạo kỹ năng cho người kế thừa thông qua việc dẫn con tham gia các sự kiện, chia sẻ cho con các quyết định, xây dựng kế hoạch kèm cặp (kiểu như Thái Thượng Hoàng và Hoàng Đế ngày xưa) và để lại cho con một khối tài sản để khởi đầu. Nhưng có vẻ như chừng đó chưa đủ.
Nếu nhìn vào cách ở trên, ta sẽ dễ dàng nhận thấy chúng ta đang chỉ tập trung vào phần DO và HAVE mà thôi.
Dĩ nhiên phần BE cũng có chứ không phải không. Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều đã đầu tư cho con mình một khoản tiền không nhỏ để đi du học, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau và học hỏi rất nhiều những kiến thức quản trị mới mẻ và hiện đại. Nhưng chừng đó thực sự đã đủ chưa?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta giao toàn bộ tài sản và cơ nghiệp mà thế hệ kế thừa hoàn toàn thiếu hoặc không có:
Sự tự tin
Thấu hiểu năng lực bản thân, sở trường bản thân
Khả năng kiểm soát bản thân
Khả năng thấu cảm, biết ơn, lắng nghe
Ảnh hưởng lên đội ngũ, truyền cảm hứng cho đội ngũ
Sự kiên trì nghị lực
Sự tập trung
Khả năng ra quyết định
....
Hơi thô thiển và có phần khập khiễng, nhưng đâu đó cũng gần giống như người trúng vé số.
Cuộc đời là một sự cân bằng giữa các khía cạnh khác nhau, khi HAVE ở một khía cạnh nào đó lớn quá (danh tiếng, tài sản) nhưng người ta lại chưa đủ nội lực thì các phần khác sẽ tự nhiên xuống rất thấp và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt, thậm chí là bi kịch.
Khi chúng ta rèn cho thế hệ kế thừa BE đủ tốt, theo thời gian những gì họ muốn sẽ tự nhiên có. Nếu có thể để lại cho họ gia sản hay các chiến lược xuất sắc, đó là một đòn bẩy rất tốt để họ đi nhanh hơn. Nhưng có một sự thật chúng ta phải biết, đòn bẩy thì mãi mãi không thể trở thành nhân tốt cho các quả lành.
Một vấn đề nghiêm trọng của chuyển giao
Bill O'Brien, CEO của Hanover Insurance có chia sẻ một bài học hết sức thông tuệ như sau: "Thành coogn của một sự can thiệp nào đó tùy thuộc vào điều kiện bên trong của người can thiệp". Đây là điểm mù cực lớn của việc lãnh đạo, quản lý nói chung và chuyển giao thế hệ nói riêng.
Chúng ta dễ dàng thấy những kết quả đạt được (HAVE), thấy những gì chúng ta làm (DO) nhưng lại hoàn toàn không để ý đến những yếu tố bên trong (BE) của người thực hiện những điều đó.
Bill ám chỉ một điều sâu sắc hơn rất nhiều những gì chúng ta có thể thấy. Nó chính là cái BE bên trong của mỗi nhà lãnh đạo.
Vấn đề là chính chủ thể của các hành động cũng không ý thức được điều gì đã thúc đẩy họ suy nghĩ, hành động hay quyết định. Và khi không ý thức được, họ nghĩ là mình chỉ cần chuyển giao điều mà họ có (HAVE) và những gì họ đã làm (DO) là đủ.
Không, điều đó gây hại nhiều hơn là tốt đẹp. Vì nó sẽ bắt đầu sinh ra xu hướng áp đặt.
Một khi bắt đầu có sự áp đặt, đương nhiên sẽ bắt đầu có sự phản kháng và đó là điểm gãy lớn của quá trình chuyển giao. Quá trình chuyển giao cần sự hòa hợp, cần sự lắng nghe, cần sự thấu hiểu và kèm cặp.
Không phải ai cũng có con đường thành công giống nhau, không phải ai cũng có phong cách lãnh đạo giống nhau và không có một khuôn mẫu duy nhất nào cho sự thành công cả.
Kết luận
Tạo ra một doanh nghiệp đã khó, giữ nó và chuyển giao lại là một hành trình khó hơn rất nhiều. Nó đòi hỏi nhiều sự tỉnh thức, sự đồng hành, sự thấu hiểu, sự hòa hợp và lắng nghe. Hơn thế nữa, nó cũng đòi hỏi sự hiểu biết đầy đủ về con người, về động lực và hành vi của họ.
Dù là có quy trình, có hệ thống, có công nghệ, nhưng rút cuộc thì vận hành doanh nghiệp vẫn là con người.
Khởi đầu tốt nhất cho mọi người luôn là một nội lực đủ tốt, chẳng phải chúng ta cũng bắt đầu từ nội lực của bản thân và đi lên bằng hai bàn tay trắng ( tài sản, hay mối quan hệ) hay sao? Điều tốt nhất là chúng ta được thừa hưởng từ cha mẹ đó là nội lực thì cũng hãy chú tâm vào điều đó cho con cháu mình sau này.
Nội lực là khởi nguồn của mọi loại tài sản trên đời.
Σχόλια