Nếu chúng ta đến một tổ chức làm việc chỉ là để hoàn thành các nghĩa vụ trong mô tả công việc rồi nhận lương làm sao chúng ta có thể cạnh tranh với làn sóng AI, Robot sắp tới?
Tháng 11 và 12 năm nay với mình đúng nghĩa là 2 tháng mở mang đầu óc, mở mang góc nhìn. Mình có cơ hội gặp và nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ và chợt nhận ra rằng cách thức mà phần lớn chúng ta đang làm kinh doanh có vẻ như không còn thực sự phù hợp.
Người ta đang nói quá nhiều đến mục tiêu, đến năng suất, đến những ước mơ vươn tầm thế giới hay trở thành những con kỳ lân... Chính vì những mục tiêu to lớn này làm chúng ta bị che mất đi một sự thực quan trọng, chúng ta đang quên rằng đội ngũ của mình là một con người.
Nghe thì có vẻ nghiêm trọng nhỉ, nhưng sự thực là không chỉ chúng ta đâu, cả thế giới cũng đang quên rằng chúng ta là một con người.
Ngày càng có nhiều người bị áp lực, bị căng thẳng, bị trầm cảm... thậm chí cứ mỗi 40 giây trôi qua thế giới sẽ mất đi một người vì tự tử. Chúng ta không thể kết nối và thấu hiểu được bản thân mình, không thể kết nối với người khác, không thể kết nối với tự nhiên nên chất lượng sống giảm hẳn.
Chúng ta theo đuổi kết quả cuối cùng mà quên luôn cái nhân tạo ra quả đó đang như thế nào. Chúng ta theo đuối hiệu suất, lợi nhuận mà quên mất rằng con người mới tạo ra những thứ đó. Một khi chỉ theo đuối kết quả cuối cùng, chúng ta sẽ không nhìn thấy được đâu là con đường phát triển bền vững.
Lấy con người làm trung tâm không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của con người mà còn giúp nâng cao sự gắn kết, nâng cao năng suất làm việc và giúp tổ chức tạo ra những kết quả đột phá.
Ai cũng bảo con người là tài sản của doanh nghiệp, nhưng sự thực những con người thực sự là tài sản chỉ là hệ quả của một văn hóa hướng lấy họ làm trung tâm, quan tâm đến cảm xúc của họ, quan tâm đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống của họ, quan tâm đến cách họ tiếp cận công việc hơn là công việc họ sẽ làm.
Văn hóa lấy con người làm trung tâm của một tổ chức quan tâm đến việc làm thế nào để con người mong muốn, khát khao làm việc và truyền cảm hứng để họ hoàn thành công việc đó một cách hiệu quả nhất.
Văn hóa lấy con người làm trung tâm cũng là một trong các yếu tố để đánh giá mức độ trưởng thành của tổ chức (có dịp mình sẽ bàn vụ này sau hen).
Có một số biểu hiện rõ ràng của một tổ chức lấy con người làm trung tâm, bạn có thể kiểm tra xem doanh nghiệp của mình đang làm được gì rồi nhé.
1. Sự nhận thức về bản thân
Đội ngũ có cơ hội để thấu hiểu bản thân mình và nhận thức được mình cần phải cải thiện điều gì, cần làm tốt hơn điều gì để có một cuộc sống cân bằng, viên mãn và thành công.
2. Sự đồng cảm
Nhân viên thể hiện sự đồng cảm với những người xung quanh, tổ chức đồng cảm với những nhu cầu của đội ngũ.
3. Đồng sáng tạo
Cả đội ngũ cùng tham gia vào quá trình nhận thức vấn đề, thiết kế giải pháp, học hỏi và cùng giải quyết các vấn đề mà tổ chức đang gặp phải. Sự chia sẻ, giao tiếp và hợp tác là yếu tố cốt lõi của quá trình này.
4. Theo đuối sự xứng đáng hơn là mục tiêu
Tổ chức phải trở thành nền tảng cho sự phát triển và thành công của các cá nhân hơn là chỉ tập trung vào việc đạt mục tiêu mà tổ chức đề ra. Nội lực của nhân viên, nội lực của tổ chức mới là yếu tố cần phải theo đuổi hơn là các mục tiêu trong ngắn hạn.
Trông đơn giản vậy thôi nhưng đây cũng là những thách thức tương đối lớn với rất nhiều người chủ doanh nghiệp và người điều hành. Phần lớn mọi người thuê nhân sự vào để xây dựng một đế chế cho riêng họ hơn là tạo ra một sân chơi để tất cả cùng phát triển vì một giấc mơ chung là mang lại giá trị cho xã hội.
Sơ bộ vậy hen, ai quan tâm đến những chiến lược để xây dựng một tổ chức hướng đến con người thì #comment xuống phía dưới để mình biết mức độ quan tâm và chuẩn bị nha. Nếu bạn thấy điều này là cần thiết, hãy #Share để biết đâu đối tác của bạn, sếp của bạn, nhân sự của bạn sẽ nhìn thấy và có cùng góc nhìn để cùng triển khai trong năm tới nhé.
コメント